Vietnam – Ready to take the leap

 

Tháng 12/2021

Lực lượng lao động trẻ, năng động, với hơn 50 triệu người của Việt Nam đã và đang là nền tảng làm nên sự thành công của nền kinh tế đất nước. Quá trình chuyển đổi sang lĩnh vực dịch vụ, chế biến chế tạo, cùng với sự tăng năng suất lao động và mức lương chính là động lực khiến tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao ấn tượng trong những thập kỷ qua. Chủ trương Đổi mới – chương trình cải cách kinh tế được phát động từ năm 1986 – không chỉ làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam mà còn tác động sâu rộng đến việc làm, yếu tố đầu vào quan trọng then chốt của quá trình cải cách kinh tế. Năm 1986, phần lớn lao động của Việt Nam vẫn tham gia trong hoạt động nông nghiệp và chỉ có một tỷ lệ nhỏ làm việc ở các doanh nghiệp nhà nước. Ngày nay, chưa đến một nửa số việc làm thuộc lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, bộ phận việc làm trong khu vực tư nhân năng động cũng đã lớn mạnh. So với tiêu chuẩn của thế giới, tỷ lệ người có việc làm của Việt Nam khá cao, trong khi tỷ lệ thất nghiệp luôn được duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, chất lượng việc làm lại không được gia tăng với tốc độ tương tự. Phần lớn công việc vẫn thuộc các ngành nghề có kỹ năng thấp hoặc trung bình, thu nhập hạn chế, phúc lợi xã hội và các chế độ bảo vệ người lao động còn thiếu và lỏng lẻo. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thị trường lao động Việt Nam nhìn chung vẫn là một thị trường dư thừa lao động; chất lượng việc làm chưa cao, phát triển không đồng đều, mất cân đối nghiêm trọng về cung-cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế [1]. Chính vì vậy, thách thức đặt ra đối với Việt Nam không phải là cố gắng tạo ra nhiều việc làm hơn, mà làm sao tạo ra những việc làm có chất lượng hơn và bao phủ hơn. Để giải quyết bài toán đó, Việt Nam cần một giải pháp đồng bộ, hiện đại, thể hiện vai trò của Nhà nước trong việc sắp xếp, giải quyết việc làm cho người lao động.

Thực trạng hệ thống các Trung tâm Dịch vụ Việc làm – Những khó khăn và thách thức

Từ năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 196 quy định về việc thành lập và hoạt động của các Trung tâm Dịch vụ Việc làm (DVVL), tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, tổ chức lại hệ thống trung tâm DVVL trên toàn quốc. Sau nhiều năm hoạt động, trong thực tế đã xuất hiện một số hạn chế, bất cập. Do thiếu nguồn lực, nhiều trung tâm chưa bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng, ưu tiên chính chủ yếu tập trung vào việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đây là một nhu cầu chính đáng, tuy nhiên, nhiệm vụ này chỉ phục vụ một phần nhỏ lực lượng lao động do số lượng đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách này không lớn. Trong khi đó, nhiệm vụ “Thu thập, phân tích, dự báo và cung ứng thông tin thị trường lao động” chưa được đầu tư đúng mức. Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, vì vừa là thông tin đầu vào để phục vụ hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo, vừa là sản phẩm đầu ra để phục vụ quản lý nhà nước, định hướng trong giáo dục, đào tạo và lựa chọn nghề nghiệp, việc làm cho mỗi gia đình, mỗi người lao động [2]. Tại các trung tâm nơi chức năng này được chú trọng và đẩy mạnh, cơ cấu tổ chức lại là một vấn đề khiến hoạt động của các trung tâm chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Số liệu về việc làm trống và người tìm việc tại hầu như rất ít và hạn chế, việc lưu trữ không theo tiêu chuẩn thống nhất. Bên cạnh đó, cán bộ tư vấn việc làm chưa được đào tạo đầy đủ và bài bản. Mạng lưới gắn kết giữa trung tâm với các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh còn yếu và chưa hiệu quả. Việc phân cấp, hay còn gọi là là sự phi tập trung hoá hệ thống các trung tâm DVVL đã nâng cao tính linh hoạt của mỗi địa phương, giúp phản ứng tốt hơn trước các biến động của thị trường lao động tại chỗ. Tuy nhiên, hiện nay chưa có khung quy định mối quan hệ hợp tác một cách hệ thống giữa các tổ chức DVVL, do đó, hạn chế việc phối hợp và chia sẻ thông tin không chỉ giữa các trung tâm DVVL ở mỗi địa phương, mà còn giữa các trung tâm DVVL của nhà nước với tư nhân, ảnh hưởng lớn tới khả năng giúp người lao động tìm được việc làm trên phạm vi toàn quốc. Đây chính là những lý do chính khiến cho các hoạt động giới thiệu việc làm hiện nay vẫn tập trung chủ yếu thông qua các sàn giao dịch hoặc ngày hội việc làm. Nói tóm lại, cách thức thiết kế và thực tế vận hành của hệ thống DVVL hiện nay mới chỉ đáp ứng được một phần đòi hỏi giúp người lao động hội nhập thành công vào nền kinh tế mới [3].

Sự dịch chuyển của thị trường lao động và tác động đến Dịch Vụ Công Về Việc Làm

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho thị trường lao động thay đổi một cách đáng kể. Theo một  báo cáo của Viện Nghiên Cứu Toàn Cầu McKinsey, dựa trên khảo sát tại 8 nền kinh tế bao gồm Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Mỹ và Anh, nơi tập trung tới 45% dân số và chiếm hơn 60% GDP toàn cầu, Covid-19 đã làm thay đổi gần như mọi khía cạnh của đời sống. Làm việc từ xa, giáo dục trực tuyến, thương mại điện tử và tự động hoá tăng trưởng vượt bậc – đó là những xu hướng thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển đổi số và ứng dụng khoa học kỹ thuật, quá trình vốn tiến triển chậm hơn trước đại dịch [4]. Đối với hầu hết các Trung tâm Dịch vụ Công về Việc làm (PES) tại các nước phát triển, dịch vụ trực tuyến đã trở thành một kênh phục vụ quan trọng và phổ biến. Chuyển đối số hỗ trợ người lao động một cách toàn diện hơn, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cũng như sự bao phủ và tính minh bạch, bình đẳng. Khi có nhu cầu, người lao động có thể dễ dàng tiếp cận gói dịch vụ được thiết kế riêng cho mình, tích hợp mọi công cụ tư vấn từ xa tại bất kỳ địa điểm nào. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp phổ biến. Ở những quốc gia đang phát triển, nơi PES bị hạn chế do thiếu nguồn lực và đầu tư chưa thỏa đáng, sự chuyển đổi sang các dịch vụ trực tuyến gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, với một số quốc gia, chuyển đổi kỹ thuật số đồng nghĩa với việc “bắt đầu từ số không”. Một khía cạnh đáng quan tâm tại các nền kinh tế đang phát triển nhanh, những thay đổi trong phương thức cung cấp dịch vụ khiến một nhóm nhỏ người lao động dễ bị tổn thương hơn, đặc biệt là những người thiếu kỹ năng công nghệ thông tin, ít có khả năng tiếp cận internet hoặc  bị ảnh hưởng bởi những hạn chế khác.

Tại Việt Nam, dưới tác động của đại dịch, nhiều trung tâm DVVL đã và đang áp dụng công nghệ để cung cấp dịch vụ rộng rãi hơn, góp phần quan trọng trong việc giúp người lao động tìm được việc làm, các công tuyển được nhân viên, kết nối cung và cầu của thị trường. Tuy nhiên, liệu cơ sở hạ tầng công nghệ có cho phép Việt Nam cung cấp một dịch vụ toàn diện, mang lại những việc làm chất lượng hơn, phù hợp hơn cho nhiều đối tượng lao động hơn hay không?

Kết nối cung-cầu lao động: Ứng dụng công nghệ thông tin là quan trọng nhất

Đó là quan điểm của ông Ngô Xuân Liễu – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ quốc gia về việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) – trong cuộc phỏng vấn về tình trạng nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu lao động trong thời gian gần đây [5]. Theo ông cho biết, cả nước hiện nay có hơn 54 triệu lao động và toàn nền kinh tế tạo ra gần 54 triệu việc làm, thế nhưng, việc doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động là có; vẫn diễn ra tình trạng nơi thiếu nhân lực, nơi thiếu việc làm. Chưa kể, các cơ quan trung gian trong kết nối việc làm, đặc biệt là hệ thống các trung tâm DVVL hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Ông Liễu cũng chỉ ra rằng, mặc dù giữa các trung tâm DVVL đã có sự kết nối khá nhanh, tuy nhiên, sự chia sẻ còn rất hạn chế. Điều này cho thấy sự cần thiết của vai trò quản lý của nhà nước, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ để nâng cao hiệu quả của hệ thống DVVL [6].

Chuẩn bị cho tương lai

Trong những năm gần đây, chính phủ Việt Nam đã xác định và đẩy mạnh việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong bối cảnh ấy, Trung tâm Dịch vụ Quốc gia về việc làm đã tỏ rõ quyết tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường kết nối người lao động và thị trường, đưa ra những phân tích dự báo chinh xác, từ đó tư vấn, đào tạo và hướng nghiệp cho người lao động. Điều này cho thấy rõ ràng rằng, chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện công nghệ, mà còn là ý chí của cả một hệ thống chính trị. Và có vẻ như, Việt Nam đã sẵn sàng cho một tương lai đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội phía trước.

 

Đây là bài viết nằm trong loạt bài Phân tích chuyên sâu về thị trường lao động toàn cầu của JANZZ.technology. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về bài trước của chúng tôi với cùng chủ đề này, xin vui lòng xem: Tiến tới một hệ thống thông tin thị trường lao động tiên tiến ở IndonesiaGiải pháp của JANZZ.technology không chỉ giải quyết nhiệm vụ cốt lõi là khớp cung và cầu trên thị trường lao động. Thay vào đó, chúng tôi cung cấp toàn bộ các công cụ và dữ liệu hỗ trợ các Trung tâm Dịch vụ Công về Việc làm. Nền tảng của chúng tôi được xây dựng và thử nghiệm kỹ lưỡng bởi rất nhiều các Trung tâm Dịch vụ Công về Việc làm trên toàn cầu. Nền tảng hỗ trợ nhiều ngôn ngữ, tích hợp tiêu chuẩn ISCO-08, ESCO, O*NET và các danh mục phân loại nghề nghiệp của từng quốc gia cụ thể. Với chi phí phải chăng, hệ thống được bảo mật vững chắc, chỉ trong vòng 180 ngày, hệ thống đã sẵn sàng hỗ trợ người lao động kết nối với thị trường. Để tìm hiểu thêm về các giải pháp đối sánh và tìm kiếm ngữ nghĩa dựa trên công nghệ AI của chúng tôi dành cho các trung tâm Dịch vụ công về việc làm (PES), vui lòng truy cập website hoặc liên hệ với chúng tôi tại địa chỉ info@janzz.technology. JANZZ.technology luôn sẵn sàng được phục vụ!

 

[1] ​​https://vov.vn/kinh-te/thi-truong-lao-dong-viet-nam-van-boc-lo-bat-cap-853221.vov
[2] https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/go-vuong-cho-he-thong-trung-tam-dich-vu-viec-lam-612561/
[3] https://documents1.worldbank.org/curated/en/579571588060574418/pdf/Employment-Service-Centers-in-Vietnam-Summary-Review.pdf
[4] https://www.mckinsey.com/featured-insights/future-of-work/the-future-of-work-after-covid-19
[5] https://laodong.vn/xa-hoi/ket-noi-cung-cau-lao-dong-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-la-quan-trong-nhat-885782.ldo
[6] http://www.congdoan.vn/tin-tuc/cong-nhan-360-500/nghich-ly-cung-cau-lao-dong-thua-van-thua-thieu-van-thieu-co-quan-ket-noi-cung-cau-lao-dong-chua-hieu-qua!-574526.tld