Thay đổi hoặc chết – Bốn vấn đề cho một tương lai nhiều mặt của Dịch vụ Công về Việc làm

Đó là chủ đề nổi bật của quy trình nhân sự trong thời đại kỹ thuật số ngày nay: làm thế nào để phát triển các công cụ và công nghệ giúp người tìm việc, việc tìm người được tốt hơn, hiệu quả hơn và cập nhật hơn, giải quyết các nhiệm vụ và thách thức khác nhau, theo hướng lấy con người làm trọng tâm. Chọn lọc nguồn nhân lực có chất lượng là một công việc vô cùng khó khăn. Nếu công nghệ của ngày hôm nay không thể định hướng được tương lai, điều này sẽ có tác động mạnh mẽ đến sự bố trí phù hợp giữa người lao động và công việc. Đặc biệt, các vấn đề này sẽ trở nên trầm trọng hơn nữa trong tương lai. Để có sự bố trí phù hợp có nghĩa là chúng ta cần phải hiểu được những thách thức mà thị trường lao động đang phải đối mặt. Tất cả các nhà cung cấp công nghệ đối sánh việc làm đều tin rằng, họ có thể sắp đặt được công việc cho mọi người lao động và do đó, kích thích thị trường lao động. Tuy nhiên, điều này là không thể. Mỗi thị trường lao động đều có những đặc điểm riêng, và việc chỉ thu hút càng nhiều người càng tốt vào thị trường lao động một cách nhanh chóng là không đủ. Luôn luôn có những vấn đề phức tạp khác đòi hỏi sự chú ý của chúng ta. Trong chủ đề phức tạp này, có bốn vấn đề cần thảo luận, chúng sẽ giải thích tại sao giải pháp không chỉ đơn giản là sắp đặt lao động vào thị trường lao động. Và tại sao việc phòng ngừa trong hiện tại lại cần thiết để giảm thiểu các vấn đề trong tương lai.

1 – Toàn dụng việc làm hôm nay, khoảng trống ngày mai

Thất nghiệp có thực sự là một vấn đề ở thế giới phương Tây vào lúc này?

Các số liệu mới nhất về thị trường lao động Hoa Kỳ được công bố ngay sau tuần đầu tiên của năm cho thấy thị trường gần như toàn dụng. Toàn dụng là tình trạng mà hầu như tất cả những người có khả năng và sẵn sàng làm việc đều được tuyển dụng, tình trạng này được định nghĩa xảy ra khi xã hội chỉ có 3% thất nghiệp. Với tỷ lệ thất nghiệp là 4,1%, sau khi 250.000 việc làm mới được thống kê trong tháng cuối cùng của năm 2017, đây là con số thấp nhất trong 17 năm của Hoa kỳ. Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của tổ chức nghiên cứu thị trường Moody’s Analytics, đã đề cập đến thị trường lao động Mỹ trong tình trạng “tốt hết mức có thể”. Nhiều nước phương Tây hiện cũng có số liệu thấp tương tự, thậm chí chưa đến 4% như ở Đức và Thụy Sĩ. Na Uy chỉ cao hơn một chút và mức trung bình của EU là mức thấp nhất trong vòng 10 năm. Ngay cả Vương quốc Anh vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi Brexit về mặt này. Điều này đặt ra câu hỏi: liệu các văn phòng giới thiệu việc làm sẽ đóng cửa và nghỉ xả hơi dài ngày?

Hy vọng là không, bởi vì sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng các quốc gia này không cần phải lo lắng về thị trường lao động của họ. Mỗi Bộ Lao động phải đối mặt với những thách thức riêng, đó là lý do tại sao các văn phòng việc làm luôn bận rộn. Một giải pháp bố trí lao động đơn giản là không đủ. Yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất là kiến ​​thức chuyên sâu về thị trường lao động và am hiểu những thách thức đa dạng mà chúng ta hiện đang phải đối đầu ở mọi ngóc ngách trên thế giới.

Một thách thức đặc biệt hiện nay là xu hướng số hóa. Trong khi tại nhiều nước ở Châu Âu, thị trường lao động có thể đang tiến tới toàn dụng, xu hướng số hoá này sẽ khiến việc thay thế lao động trở nên dễ dàng hơn trong tương lai. Ai cần đến tài xế taxi khi chiếc xe có thể tự lái? Và ai sẽ cần một công nhân vệ sinh, khi việc dọn dẹp được thực hiện bởi những con robot có thể làm sạch ngay cả trong những góc chật hẹp nhất? Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, có sự khác biệt lớn giữa các công việc có trình độ chuyên môn thấp. Ví dụ, máy móc có thể dễ dàng đảm nhận công việc vệ sinh hơn nhiều, so với các công việc có kỹ thuật phức tạp như may đo. Chính vì vậy, không phải tất cả các công việc có trình độ thấp đều có rủi ro bị thay thế – mặc dù phần lớn là như vậy. Mặt khác, kể cả các lao động có trình độ học vấn cao hơn cũng có thể bị thay thế, vì máy tính có thể tính toán và cải tiến chính xác hơn cấu trúc tĩnh của các tòa nhà, quy trình logistic hoặc sản xuất. Tương tự, máy tính ngày càng được coi là đáng tin cậy và có khả năng giúp khách hàng tránh được rủi ro nhiều hơn là các chuyên gia tư vấn tài chính tại ngân hàng, bởi vì máy tính sẽ đưa quyết định dựa trên số liệu thực tế chứ không phải trên cảm tính.

Những thách thức phức tạp này không thể được giải quyết bằng cách bố trí lao động một cách đơn giản, bởi vì ngay cả khi người lao động tìm được việc, công việc này có thể biến mất trong tương lai gần do số hóa. Nếu động cơ đốt trong trở nên lỗi thời và được thay thế bằng động cơ điện, thì chúng ta sẽ cần một lực lượng lao động ít hơn đáng kể, bởi vì việc sản xuất động cơ điện chỉ cần bốn nhân viên, thay vì bảy nhân viên. Ba người thừa sẽ trở nên thất nghiệp, và để tái bố trí việc làm cho họ, chúng ta không thể chỉ đứng nhìn và chờ đợi.

2 – Sự mất cân đối đang gia tăng

Nếu bạn nhìn vào một số ngành nghề nhất định, có một sự đối nghịch đang xảy ra và đây cũng chính là một thách thức. Trong khi một số ngành nghề đang biến mất, các lĩnh vực khác hiện đang ráo riết tìm kiếm nhân viên mới. Các con số được đưa tin trên các phương tiện truyền thông tiếp tục tăng lên: 7.000 vị trí tuyển dụng cho nhân viên y tá ở Thụy Sĩ, 100.000 kỹ sư thiếu ở Đức. Làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu ấy trong khi chúng ta không có nguồn cung?

Có một thực tế là các ngành nghề mà mọi người muốn được đào tạo đang bị mất cân đối so với nhu cầu của thị trường. Chúng ta đã quen với việc có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp: hầu hết mọi người đều có thể tự quyết định con đường sự nghiệp mà họ muốn theo đuổi. Sự tự do này dẫn đến tình trạng một số con đường thường được số đông lựa chọn, trong khi những con đường khác hiếm người muốn đi. Hệ quả là có một khoảng cách to lớn giữa hai nhóm này. Trong nhiều ngành nghề hấp dẫn, ngày càng khó đảm bảo cho người lao động có một công việc ổn định trong bốn đến năm thập kỷ, trong khi đó, chúng ta ngày càng kéo dài tuổi hưu. Có bao nhiêu nhà sinh vật biển thực sự cần thiết ở Thụy Sĩ? Và trong khi các nhà sinh vật biển có trình độ cao đang thất nghiệp, các kỹ sư tương lai đã ký hợp đồng lao động khi vẫn đang ngồi trên ghế giảng đường. Đây là một bi kịch.

Chúng ta cần phải lấy đây là động lực để chính quyền, xã hội, các trường đại học và tất cả các bên liên quan có thể tập hợp lại, đoàn kết thực hiện một nhiệm vụ mới. Thị trường có nhu cầu, vì vậy chúng ta phải tăng sức hấp dẫn của lĩnh vực đang có nhu cầu. Đã đến lúc phải hành động, bằng cách đào tạo và lập kế hoạch nghề nghiệp, không chỉ để phản ứng trong trường hợp khẩn cấp mà còn để ngăn chặn những nguy cơ. Chúng ta phải làm gì để khiến thanh niên lựa chọn những lĩnh vực đào tạo cần thiết? Chúng ta phải nhìn vào tương lai. Liệu chúng ta nên hạn chế chỉ tiêu cho các chương trình cấp bằng đại trà? Hay hỗ trợ thêm cho những người chọn các chương trình đào tạo kém hấp dẫn hơn?

Tất nhiên, việc tăng lương cho các ngành nghề như điều dưỡng sẽ khiến ngành này trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, ai sẽ trả tiền cho việc này nếu người bệnh không sẵn sàng chi trả nhiều hơn? Chừng nào sản phẩm và dịch vụ còn trở nên dễ tiếp cận với giá cả phải chăng, thì tiền lương không thể tăng lên – có nghĩa là thu nhập sẽ không đủ và công việc được coi là không hấp dẫn. Do đó, một công việc không thể trở nên hấp dẫn hơn theo cách này.

Khi gặp những thách thức như vậy, sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng ta chỉ chú trọng đến việc bố trí lao động một cách đơn giản, cho dù là bằng công nghệ hay không. Cần phải nhấn mạnh thêm một lần nữa, vấn đề sẽ không thể được giải quyết một cách đơn giản thông qua việc thu hút lực lượng lao động vào thị trường. Thay vào đó, chúng ta phải đảm bảo việc cung và cầu khớp nhau. Chúng ta cần tạo ra các mô hình mới để đáp ứng các xu hướng hiện nay và lấp đầy những thiếu hụt. Các phân tích cho thấy sự thiếu hụt đang gia tăng đều đặn trên tất cả các thị trường. Thật không may, điều này không thể được giải quyết bằng lực lượng lao động di cư, mặc dù hiện nay lực lượng này đang có nhiều cơ hội, đặc biệt là ở châu Âu.

3 – Di cư như một lối thoát duy nhất

Có rất nhiều khu vực trên thế giới nơi thu nhập của người lao động luôn luôn không đủ cho cuộc sống hàng ngày. Ở những nơi này, mọi người cảm thấy họ buộc phải rời đi nơi khác để tìm kiếm việc làm. Ví dụ như ở Lithuania, hầu hết mỗi gia đình đều có người đi làm việc ở nước ngoài. Với chi phí sinh hoạt tăng cao, người dân ở đây khó có thể sống được bằng tiền lương của họ. Kết quả là đất nước nhỏ bé này đã mất đi hơn nửa triệu người trong vòng 15 năm qua – một con số quá lớn nếu xét trên tổng dân số chỉ dưới ba triệu người. Đặc biệt là những người trẻ, họ di cư khỏi đất nước của mình trước hoặc ngay sau khi tốt nghiệp, bỏ lại phía sau một xã hội đang già hóa, thậm chí nhanh hơn trước.

Hãy xem xét dân số của Indonesia: hơn một phần tư tỷ người. Phần lớn người dân thấy rằng thị trường việc làm trong nước khá sôi động vì nền kinh tế phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, tốc độ tăng dân số của Indonesia còn nhanh hơn – thêm 3 triệu người mỗi năm, tương đương với dân số của Berlin, Madrid hoặc Lithuania. Hơn một nửa trong số đó dưới 30 tuổi. Tất cả những người trẻ này sẽ cần việc làm. Một lần nữa, nhiều người trong số họ sẽ xem di cư như một giải pháp khó tránh khỏi. Trong những trường hợp như thế này, chúng ta phải tạo ra những mô hình mới, những mô hình giúp cân bằng giữa cung và cầu. Người lao động không thể được sắp đặt một cách đơn giản vào những nơi không có việc làm.

4 – Khi người lao động “có việc làm” vẫn là chưa đủ

Ngay cả khi thị trường có sẵn các việc làm, chiến lược sắp xếp người lao động một cách đơn giản vẫn không mang lại những hiệu quả mong muốn. Ví dụ, một số thị trường lao động Nam Mỹ đang cố gắng chống lại tình trạng thiếu việc làm, cùng với những thách thức khác như tội phạm, lạm dụng ma túy và sự thiếu minh bạch trong dòng tiền. Thiếu việc làm không giống như thất nghiệp, nó có nghĩa là không đủ số giờ làm việc. Người lao động không thể đảm bảo một mức sống đầy đủ với một mức lương thấp. Ngay cả sau rất nhiều nỗ lực không mệt mỏi của các Bộ lao động, tình hình thị trường việc làm ở Nam Mỹ vẫn rất phức tạp. Một ví dụ khác, ở Paraguay, tỷ lệ thất nghiệp là khoảng 9%, một mức tương tự như ở các nước phát triển cao như Pháp hoặc Phần Lan. Tuy nhiên, con số này có nghĩa là gì? Do tình trạng thiếu việc làm và tỷ lệ lao động làm việc trả công theo ngày cao, một số lượng lớn người lao động không được tính vào tỷ lệ thất nghiệp, vì về mặt kỹ thuật, họ vẫn có việc làm. Chính vì vậy, tỷ lệ thất nghiệp không cho chúng ta thấy rõ liệu mức sống của người lao động có được đảm bảo ở một quốc gia hoặc khu vực hay không.

Chúng ta phải hành động thay vì chờ đợi

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp có thể thấp, nhưng một tỷ lệ thấp không cứu được thị trường việc làm. Mỗi thị trường lao động đều có những vấn đề cụ thể cần được xử lý khác nhau. Còn rất nhiều thách thức nữa khiến chúng ta cần phải hành động: Làm thế nào để sắp xếp việc làm cho người trên 50 tuổi, hay những người tị nạn có trình độ cao? Về nguyên tắc, chúng ta có thể thấy trước rằng, nếu các văn phòng Dịch vụ Công về Việc làm của chính phủ không thể thích ứng và đưa ra các giải pháp hợp lý, thì họ phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn và đánh mất khả năng phát triển của mình. Chúng ta phải hành động ngay từ bây giờ, trước hết bằng cách thảo luận, dựa trên tình hình thực tế và tìm kiếm các giải pháp gắn với các công nghệ và công cụ phù hợp. Tuy nhiên, thành công không bao giờ được đảm bảo chỉ bằng việc cung cấp các công cụ và công nghệ. Chúng ta đã phát triển được một hệ thống kiến thức chuyên môn sâu sắc trong suốt một thập kỷ, theo đó, chúng ta có thể biết chính xác vấn đề nào cần được giải quyết, tại vị trí nào, bằng phương pháp, công cụ nào. Điều quan trọng nhất chính là những người sở hữu khối lượng kiến ​​thức chuyên môn sâu rộng ấy phải áp dụng chúng ngay ở giai đoạn đầu. Sớm hay muộn, tình trạng  thất nghiệp sẽ gia tăng trở lại, đặc biệt là trong giới trẻ. Nếu hiểu rõ vấn đề, chúng ta có thể sớm xác định được những khả năng có thể sẽ xảy ra, từ đó, có các chiến lược giải pháp đối phó phù hợp. Hơn nữa, các yêu cầu cụ thể của thị trường lao động phải được xem xét một cách rõ ràng và đáp ứng ngay từ bây giờ. Nói tóm lại, chúng ta phải hành động ngay. Tôi tự hỏi tại sao các chính trị gia, xã hội, các tổ chức giáo dục và những người khác vẫn chỉ đứng bên cạnh và quan sát. Họ nên thảo luận những vấn đề này, ngay bây giờ với các chuyên gia có chuyên môn cụ thể. Đó chính là những người có thể giải quyết, phản ánh và phân tích tất cả các thách thức đã đề cập và chưa được đề cập của thị trường lao động hiện nay. Những kiến thức do các chuyên gia này nắm giữ đều có sẵn, cho bạn, tại JANZZ.technology.